Đảm bảo điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025

Đến thời điểm này, đối với tuyển sinh đại học, toàn bộ các điểm ưu tiên khu vực, đối tượng và các phương án ưu tiên vẫn đang áp dụng theo quy chế của những năm trước. Điều này có nghĩa là, kỳ thi năm nay, thí sinh vẫn sẽ được hưởng các chính sách ưu tiên như cũ, không bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập.

Trong bối cảnh nhiều tỉnh thành trên cả nước có kế hoạch sáp nhập để tinh giản bộ máy hành chính, một vấn đề đáng quan tâm là tác động của sự thay đổi này đối với chính sách cộng điểm ưu tiên cho thí sinh trong kỳ thi đại học. Việc sáp nhập tỉnh không chỉ ảnh hưởng đến địa giới hành chính mà còn tác động trực tiếp đến quyền lợi của học sinh ở các khu vực được hưởng ưu tiên.

Năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hệ thống giáo dục khi học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện nay, chính sách cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi đại học được áp dụng nhằm tạo điều kiện cho thí sinh thuộc các khu vực khó khăn hoặc có điều kiện học tập hạn chế. Theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT), thí sinh thuộc khu vực 1 (KV1) – thường là các huyện vùng sâu, vùng xa – được cộng 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) được cộng 0,5 điểm, khu vực 2 (KV2) được cộng 0,25 điểm, trong khi khu vực 3 (KV3) không được cộng điểm. Khi một tỉnh có nhiều huyện thuộc KV1 hoặc KV2-NT được sáp nhập vào một tỉnh phát triển hơn, sẽ có sự thay đổi về cách phân loại khu vực ưu tiên. Nếu không có điều chỉnh hợp lý, thí sinh tại các huyện thuộc diện khó khăn trước đây có thể bị mất quyền lợi cộng điểm do được xếp vào khu vực hành chính mới. Vì vậy, khi sáp nhập các tỉnh, thành, phân chia lại địa giới hành chính, chính sách ưu tiên khu vực khi xét tuyển đại học sẽ được tính như thế nào, điều này liệu có ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh hay không đang là câu hỏi được nhiều thí sinh quan tâm.

Giải đáp thắc mắc của thí sinh tại Ngày hội tuyển sinh, đại diện Bộ GDĐT cho biết đây là vấn đề đã được Bộ GDĐT đặt ra. Đến thời điểm này, đối với tuyển sinh đại học, toàn bộ các điểm ưu tiên khu vực, đối tượng và các phương án ưu tiên vẫn đang áp dụng theo quy chế của những năm trước. Điều này có nghĩa là, kỳ thi năm nay, thí sinh vẫn sẽ được hưởng các chính sách ưu tiên như cũ, không bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo một số Sở GDĐT các địa phương như TP Hồ Chí Minh và Nghệ An đã đề xuất Bộ GDĐT đẩy lịch thi tốt nghiệp THPT lên sớm hơn. Cụ thể, kiến nghị của các sở GDĐT nêu thời gian mong muốn tổ chức thi là trong khoảng thời gian ngày 7 đến 10/6/2025, tùy từng địa phương. Như vậy, so với mốc thời gian Bộ GDĐT dự kiến tổ chức thi tốt nghiệp THPT (26 – 27/6/2025), thời gian thi mà các địa phương kiến nghị sớm gần 3 tuần. Lý do, các sở GDĐT cho rằng đẩy sớm lịch thi sẽ đảm bảo học sinh được ôn tập khoa học, ổn định tâm lý và giảm áp lực trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bộ GDĐT đã ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của các Sở GDĐT trong việc đề xuất điều chỉnh lịch thi tốt nghiệp THPT nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn tại địa phương và các tình hình thực tế khác.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) quyết định giữ nguyên lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025 như đã công bố trong kế hoạch năm học 2024-2025. Như vậy, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dự kiến diễn ra trong ngày 26 và ngày 27 tháng 6 năm 2025. Việc giữ nguyên lịch thi như đã công bố góp phần làm ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và không làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong ngành giáo dục.

Bộ GDĐT cũng vừa ban hành Công văn số 1239/BGDĐT-QLCL về hướng dẫn một số nội dung tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 gửi các Sở GDĐT; Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng. Trong đó có phụ lục hướng dẫn thí sinh cách thực hiện để được hưởng ưu tiên khu vực, ưu tiên đối với đối tượng trong tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Ngoài ra, để đảm bảo công bằng, Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non cũng có quy định về điểm cộng. Cụ thể, tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét. Việc điều chỉnh chính sách cộng điểm ưu tiên một cách hợp lý sẽ giúp đảm bảo công bằng cho thí sinh và suy trì sự phát triển đồng đều trong giáo dục trên cả nước.

Hà Giang

Tài liệu tham khảo:

Bộ GDĐT (2025): Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10393

Bộ GDĐT (2025): Công văn số 1239/BGDĐT-QLCL về việc hướng dẫn một số nội dung tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. http://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10402

Bạn đang đọc bài viết Đảm bảo điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19