Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã và đang được triển khai mạnh mẽ trong ngành giáo dục. Đặc biệt, trong công tác tuyển sinh, việc áp dụng công nghệ giúp đơn giản hóa quy trình, giảm thiểu sai sót, tiết kiệm thời gian và chi phí cho thí sinh cũng như cơ quan quản lý. Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06 của Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) vừa diễn ra ngày 26/3, Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin (Bộ GDĐT) Phạm Quang Hưng cho biết: Việc đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH), thanh toán lệ phí xét tuyển, xác nhận nhập học theo hình thức trực tuyến... đã được thực hiện và thành công ngay từ năm đầu tiên (năm 2022). Mỗi năm có khoảng 1 triệu thí sinh tham gia. Năm nay, theo quy chế mới, thí sinh tự do được phép đăng ký dự thi trực tuyến, việc này giúp tỷ lệ đăng ký trực tuyển có thể sẽ tiệm cận 100%. Ngoài việc đăng ký bằng tài khoản được cấp trên hệ thống của Bộ GDĐT, thí sinh có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập (thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia) và thực hiện đăng ký, do đó gia tăng sự thuận tiện, an toàn cho thí sinh. Bộ GDĐT cũng đã có hướng dẫn tổ chức cho thí sinh đang học lớp 12 thử đăng ký thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi từ ngày 15-18/4. Từ ngày 21/4 đến 17 giờ ngày 28/4, tổ chức cho các thí sinh đăng ký dự thi, đăng ký xét công nhận tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến; nhập phiếu đăng ký dự thi, đăng ký xét công nhận tốt nghiệp đối với các thí sinh nộp hồ sơ theo hình thức trực tiếp.
Thời gian qua, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và Đề án 06, Bộ GDĐT đã triển khai được một số nhiệm vụ quan trọng. Đến nay, Bộ GDĐT đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục gồm cơ sở dữ liệu giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đại học. Từ năm 2022, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đã kết nối và xác thực và định danh của hơn 24 triệu giáo viên và học sinh (đạt tỷ lệ gần 98%). Trên cơ sở dữ liệu sạch, ngành giáo dục đã và đang triển khai hiệu quả các ứng dụng phục vụ người dân, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ dịch vụ công về tuyển sinh đầu cấp. Nhiều địa phương đã và đang triển khai các mô hình tuyển sinh trực tuyến ở bậc tiểu học, trung học cơ sở, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hệ thống tuyển sinh trực tuyến cho bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, giúp học sinh nộp hồ sơ online mà không cần đến trực tiếp trường. Sở GDĐT Hà Nội cũng áp dụng công nghệ vào tuyển sinh đầu cấp, đảm bảo tính bảo mật và minh bạch trong xét tuyển. Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương triển khai mô hình tuyển sinh không giấy tờ, kết hợp giữa dữ liệu dân cư và hệ thống tuyển sinh trực tuyến, giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ xuống còn vài phút.
Đặc biệt, năm học 2024-2025, thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Thủ tướng giao Bộ GDĐT hoàn thành thí điểm học bạ số trong tháng 6/2024, và triển khai đại trà từ năm học 2024-2025, Bộ GDĐT đã chủ trì tổ chức triển khai học bạ số cấp tiểu học (thí điểm cho khối 1,2,3 và 4). Ngoài ra, hoạt động chuyển đổi số trong dạy và học cũng được Bộ GDĐT đẩy mạnh. Thực hiện Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý, tổ chức dạy học trực tuyến trong giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt dạy và học được các nhà trường quan tâm, duy trì kho học hiệu số igiaoduc.vn chia sẻ dùng chung toàn ngành (bao gồm cả học liệu mở) đã được xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng.
Việc triển khai học bạ số, tuyển sinh trực tuyến và hệ thống học liệu số là những bước tiến quan trọng, góp phần xây dựng một nền giáo dục hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thời đại số. Thực hiện đề án 06, quy trình tuyển sinh trở nên thuận tiện, minh bạch và hiệu quả hơn, giúp giảm tải áp lực cho thí sinh cũng như cơ quan quản lý. Sự kết nối giữa cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với dữ liệu quốc gia về dân cư không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình tuyển sinh mà còn tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động chuyển đổi số trong giáo dục.
Hà Giang
Tài liệu tham khảo:
Chính phủ (2022): Quyết định 06/QĐ-TTg Quyết định Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/01/06.signed.pdf