Đầu sự nghiệp giảng dạy của giáo viên là giai đoạn quan trọng trong việc phát triển năng lực chuyên môn của họ. Các giáo viên trẻ thường gặp phải khó khăn khi bắt đầu thực hiện giảng dạy thực tế, bởi sự khác biệt giữa lý thuyết và thực hành. Trong khi giảng dạy lý thuyết ở trường đại học chủ yếu mang tính trừu tượng, thì giảng dạy thực tế lại yêu cầu giáo viên khả năng giải quyết các tình huống cụ thể trong lớp học. Mô hình nghiên cứu hài học (Lesson Study), vốn là một phương pháp giáo dục nổi bật ở nhiều quốc gia, đã được áp dụng tại Việt Nam để phát triển năng lực giảng dạy. Mô hình này tập trung vào việc cải thiện kỹ năng giảng dạy thông qua việc giáo viên nghiên cứu và chia sẻ bài giảng với nhau. Trong nghiên cứu này, các tác giả kết hợp mô hình nghiên cứu bài học với phương pháp giảng dạy micro-lesson, một phương pháp giảng dạy ngắn và tập trung vào từng phần nhỏ của bài học. Mục tiêu là giúp giáo viên trẻ cải thiện kỹ năng lập kế hoạch và thực hiện bài giảng.
Mô hình nghiên cứu bài học bao gồm bốn bước chính: (1) Lập kế hoạch nghiên cứu bài học; (2) Tổ chức dạy thử và tham dự các bài giảng; (3) Tự đánh giá và thảo luận bài giảng; (4) Áp dụng vào giảng dạy thực tế. Nghiên cứu được thực hiện với 62 giáo viên trẻ ở 5 tỉnh miền Bắc Việt Nam: Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, và Bắc Kạn. Để đo lường hiệu quả của mô hình, nghiên cứu đã tiến hành so sánh kết quả trước và sau khi áp dụng mô hình nghiên cứu bài học. Các giáo viên tham gia vào quá trình lập kế hoạch bài giảng, thực hiện bài giảng thử nghiệm và tham gia vào các buổi thảo luận nhằm cải thiện khả năng giảng dạy của họ.
Kết quả cho thấy có sự cải thiện đáng kể về khả năng lập kế hoạch và thực hiện bài giảng của các giáo viên trẻ. Quy trình áp dụng mô hình nghiên cứu bài học được chia thành các bước cụ thể: (1) Lập kế hoạch nghiên cứu bài học - Giáo viên sẽ chọn một chủ đề hoặc bài học mà họ cảm thấy khó khăn khi giảng dạy, sau đó, họ sẽ lên kế hoạch chi tiết cho bài giảng;(2) Dạy thử và tham dự bài giảng - Giáo viên sẽ dạy thử một phần của bài học cho các đồng nghiệp và học sinh, trong khi các giáo viên khác tham gia quan sát, mục đích của bước này là để các giáo viên nhận được phản hồi trực tiếp từ các đồng nghiệp về cách thức dạy và cách tổ chức bài học; (3) Tự đánh giá và thảo luận bài giảng - Sau khi dạy thử, các giáo viên sẽ tự đánh giá hiệu quả của bài giảng và cùng nhau thảo luận để rút ra những điểm mạnh và điểm yếu trong phương pháp giảng dạy của mình, điều này không chỉ giúp giáo viên cải thiện kỹ năng của bản thân mà còn tạo ra một môi trường học tập hợp tác giữa các giáo viên; (4) Áp dụng vào giảng dạy thực tế, sau các buổi thảo luận và sửa đổi bài giảng, giáo viên sẽ áp dụng những thay đổi vào các lớp học thực tế, nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy và nâng cao sự hiểu quả trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Nguồn: Pexels.com
Kết quả cho thấy mô hình nghiên cứu bài học kết hợp với phương pháp micro-lesson có ảnh hưởng tích cực đến năng lực giảng dạy của các giáo viên trẻ. Kết quả từ việc đo lường trước và sau khi áp dụng mô hình cho thấy sự cải thiện rõ rệt. Cụ thể, điểm trung bình về khả năng lập kế hoạch bài học của giáo viên đã tăng từ 2.54 lên 3.28, trong khi khả năng thực hiện bài giảng tăng từ 2.48 lên 3.18. Những con số này chỉ ra rằng mô hình này giúp giáo viên cải thiện đáng kể khả năng lập kế hoạch và thực hiện bài giảng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mô hình này không chỉ giúp giáo viên nâng cao khả năng giảng dạy mà còn giúp họ cải thiện sự tự tin trong công việc, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong giảng dạy. Hơn nữa, mô hình này cũng khuyến khích sự hợp tác giữa các giáo viên, tạo ra một cộng đồng học tập tích cực.
Mô hình nghiên cứu bài học có thể được coi là một công cụ hữu ích để phát triển năng lực giảng dạy của giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ. Mô hình này không chỉ giúp giáo viên cải thiện kỹ năng giảng dạy mà còn thúc đẩy việc học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp. Việc áp dụng mô hình này trong các trường học tại Việt Nam có thể giúp cải thiện chất lượng giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, nghiên cứu có một số hạn chế, như chỉ được thực hiện tại 5 tỉnh miền Bắc và tập trung vào giáo viên dạy Hóa học, điều này có thể không đại diện cho tất cả các vùng miền và môn học khác. Trong tương lai, cần mở rộng nghiên cứu để áp dụng mô hình nghiên cứu bài học ở các môn học và cấp học khác nhau, nhằm đánh giá hiệu quả toàn diện hơn.
Hoàng Dũng lược dịch
Nguồn:
Huong, L. T. T., Quynh, N. T. T., Ngoc, N. T., & Duc, N. M. (2021). Applying the lesson study model in developing teaching capability for young teachers in Vietnam. European Journal of Educational Research, 10(4), 1755-1768. https://doi.org/10.12973/eu-jer.10.4.1755