Học bạ số - Xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số
Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg, Bộ GDĐT đã ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học. Với mục tiêu đồng bộ hóa dữ liệu giáo dục trên toàn quốc, Việc thử nghiệm đã được thực hiện tại một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh thành khác.
Tại Hà Nội, 100% các trường tiểu học đã được trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo. 100% hồ sơ học sinh đã được gắn mã số định danh duy nhất, xuyên suốt trong quá trình học tập, sẵn sàng về dữ liệu để triển khai học bạ số. 100% giáo viên, nhân viên đều có kinh nghiệm, trình độ công nghệ thông tin để tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành. Tính đến ngày 20/4/2024, 60% số giáo viên, nhân viên ở các trường tiểu học đã được trang bị chữ ký số cá nhân. Sở GDĐT đã thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác triển khai học bạ số của ngành; phối hợp với đơn vị vận hành cơ sở dữ liệu ngành nâng cấp chức năng ký số trên học bạ điện tử. Theo kế hoạch, việc thí điểm học bạ số được áp dụng với các khối lớp 1, 2, 3 và 4 năm học 2023-2024 tại 100% các trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh cũng bắt đầu triển khai thí điểm học bạ số cho gần 133.000 học sinh lớp 1 tại các trường tiểu học bắt đầu từ năm học 2023 – 2024. Trong năm học 2024 – 2025, thành phố tiếp tục áp dụng thí điểm học bạ số ở 128.000 học sinh khối lớp 6, năm học 2025 – 2026 thí điểm áp dụng ở khối lớp 10.
Ảnh minh họa (Nguồn: Phòng GDĐT quận Ba Đình, Hà Nội)
Đến nay, quá trình thí điểm học bạ số đã đảm bảo mục tiêu theo kế hoạch, làm cơ sở để tiến tới hoàn thiện quy trình quản lý, sử dụng học bạ số làm cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên toàn quốc. Có 63/63 địa phương đã phối hợp với các nhà cung cấp cổng học bạ số, có các địa chỉ kết nối dữ liệu, phân công cán bộ làm đầu mối liên hệ, thường trực xử lý về các vấn đề liên quan đến học bạ số tại địa phương. Một số nhà cung cấp dịch vụ đã sẵn sàng trong việc triển khai quản lý học bạ số cho các địa phương. Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT đã ban hành hướng dẫn chuẩn đặc tả kỹ thuật về học bạ số, chuẩn kết nối dữ liệu và cơ sở dữ liệu lưu trữ học bạ số; chuẩn bị xong về hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai thí điểm học bạ số, tiếp nhận dữ liệu học bạ thí điểm từ các địa phương.
Tính tới hết ngày 27/12/2024, 100% các Sở GDĐT đã đăng ký và được cấp tài khoản kết nối, báo cáo học bạ số (thí điểm) về Kho học bạ số Bộ GDĐT (hệ thống thử nghiệm). Có 63/63 Sở GDĐT đã đăng ký và được duyệt chứng thư số dùng để gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ GDĐT. Có 63/63 Sở GDĐT đã thực hiện gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ GDĐT bao gồm với 4.938.675 Học bạ số cấp tiểu học chiếm tỷ lệ 69,6% (trong tổng số 7.093.352 học bạ cấp tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4 trong năm học 2023-2024).
Khắc phục khó khăn, tiếp tục thúc đẩy triển khai học bạ số
Dù mang lại nhiều lợi ích, quá trình triển khai học bạ số vẫn gặp không ít khó khăn về hạ tầng và nguồn nhân lực. Một số địa phương chưa có hạ tầng công nghệ đủ mạnh để thực hiện đồng bộ. Việc số hóa toàn bộ dữ liệu học sinh đòi hỏi hệ thống phải có độ an toàn cao, tránh tình trạng rò rỉ hoặc đánh cắp thông tin cá nhân. Đây cũng là một trong những lý do nhiều địa phương thận trọng trong việc triển khai học bạ số trên diện rộng.
Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học, Bộ GDĐT tiếp tục thực hiện thí điểm ở cấp trung học và giáo dục thường xuyên. Đặc biệt là lấy kết quả, kinh nghiệm phù hợp triển khai thí điểm ở cấp tiểu học để áp dụng vào thí điểm cấp trung học, giáo dục thường xuyên trên tinh thần sử dụng, quản lý, triển khai an toàn, không phát sinh chi phí, bài bản, hiện đại. Trong công văn số 115/BGDĐT-GDTrH Bộ GDĐT gửi các Sở GDĐT, Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT triển khai thí điểm học bạ số đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trên cơ sở đó, mới đây, Sở GDĐT Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số cấp trung học năm 2025. Theo đó, Sở sẽ triển khai thí điểm học bạ số cho 100% học sinh học tại các cơ sở giáo dục cấp trung học và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tại thành phố Hà Nội từ học kỳ 2, năm học 2024-2025. Theo yêu cầu của Sở GDĐT Hà Nội, các nội dung thí điểm phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu chức năng, kĩ thuật theo quy định của Bộ GDĐT và quy chế quản lý, sử dụng hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ số của ngành GDĐT thành phố; sẵn sàng kết nối với hệ thống quản lý thông tin của Bộ GDĐT. Giải pháp phần mềm học bạ số phải đảm bảo tính kế thừa, khả thi, an toàn, đồng bộ và liên thông, tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng học bạ số thay dần thay thế học bạ giấy trong thực hiện các thủ tục hành chính có sử dụng học bạ. Các cơ sở giáo dục tham gia thí điểm phải đảm bảo các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai thí điểm học bạ số. Tại Hà Nội, 100% cơ sở giáo dục đã sử dụng phần mềm quản lý giáo dục chuyên ngành https://csdl.hanoi.edu.vn kết nối với cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo tại https://csdl.moet.gov.vn để quản lý hồ sơ học sinh, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, trích ngang hồ sơ giáo viên đáp ứng tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”, xác thực định danh công dân điện tử của cơ sở dữ liệu dân cư.
Học bạ số là xu hướng tất yếu trong chuyển đổi số giáo dục, mang lại lợi ích lớn nhưng cũng đặt ra thách thức về hạ tầng, bảo mật và nhân lực. Việc triển khai thành công đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GDĐT, địa phương và các đơn vị liên quan. Nếu được thực hiện bài bản và có lộ trình hợp lý, học bạ số sẽ góp phần nâng cao chất lượng quản lý giáo dục, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia theo định hướng của Chính phủ.
Hà Giang
Tài liệu tham khảo:
Bộ GDĐT (2025): Công văn số 115/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thí điểm học bạ số cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Sở GDĐT Hà Nội (2025): Kế hoạch số 560/KH-SGDĐT Triển khai thí điểm Học bạ số cấp Trung học và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên ngành Giáo dục và đào tạo Hà Nội