Không dạy thêm, học thêm: Nhà trường tập trung hỗ trợ học sinh cuối cấp ôn tập

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đang có nhiều đổi mới theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tổ chức ôn tập hiệu quả cho học sinh cuối cấp.

Đo lường chất lượng ôn tập qua các kỳ thi thử

Những năm gần đây, các kỳ thi cuối cấp, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có nhiều thay đổi quan trọng theo hướng tăng cường đánh giá năng lực thay vì chỉ kiểm tra kiến thức ghi nhớ như trước đây. Việc này nhằm hướng đến các phương pháp giáo dục hiện đại, hướng đến phát triển toàn diện cho học sinh. Điều nay nhằm cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vào đào tạo (GDĐT), chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực học sinh làm trung tâm. Vì vậy, các bài kiểm tra đánh giá, các kỳ thi cũng phải được thiết kế lại theo định hướng này.

Tuy nhiên, cùng với sự đổi mới đó là áp lực đối với học sinh, nhất là học sinh cuối cấp. Trong khi chương trình học mới và yêu cầu kiến thức tích hợp cao, thì thời gian ôn luyện lại đang giới hạn hơn so với những năm trước đây. Đặc biệt, khi việc dạy thêm, học thêm được siết chặt theo Thông tư 29/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT cũng đặt ra nhiều thách thức cho học sinh và nhà trường trong việc tổ chức ôn tập, đảm bảo kiến thức cho học sinh cuối cấp. Việc tổ chức ôn tập một các bài bản, khoa học và hiệu quả ngay trong nhà trường đang trở thành yêu cầu cấp thiết đối với ngành giáo dục.

Phát biểu tại Hội nghị - tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các Sở GDĐT tổ chức thi thử đối với 100% học sinh, với tinh thần tổ chức thi thử nhưng vận hành thật, đánh giá thật, làm bài thật và sử dụng kết quả thi thử để phân loại học sinh, trên cơ sở tiếp tục bổ sung kiến thức. Việc tập dượt cũng giúp cho giáo viên làm quen với phương thức tổ chức thi mới của năm nay. Trên tinh thần chỉ đạo này, hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT. Tháng 3 vừa qua, Sở GDĐT hà Nội đã tổ chức kỳ thi khảo sát học sinh lớp 12, còn gọi là kỳ thi thử tốt nghiệp THPT, “thi thử như thi thật” nhằm đánh giá chất lượng học sinh, giúp nhà trường có định hướng ôn tập cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tham gia kỳ khảo sát, mỗi học sinh thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số các môn Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật.. Công tác khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 của Hà Nội được tổ chức như một kỳ thi thật. Toàn bộ các khâu tổ chức như in sao đề, giao đề, tổ chức thi, sắp xếp phòng thi, chấm thi... được thực hiện bài bản, đúng quy chế.

Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định, kết quả khảo sát lớp 12 năm nay thấp hơn so với năm ngoái; số bài thi đạt điểm tuyệt đối ít; tỷ lệ bài thi đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ gần 32%; trên 10% bài thi môn Toán có kết quả từ 3 trở xuống; với môn Ngữ văn, Sinh học, Công nghệ định hướng công nghiệp, tỷ lệ bài thi có kết quả từ 3 trở xuống là trên 5%. Với 148.003 bài thi điểm dưới trung bình, chiếm tỉ lệ 31,86% đã cho thấy còn một bộ phận học sinh cần được tăng cường hỗ trợ ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trước tình hình đó, ngành Giáo dục Hà Nội và nhiều trường học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên đã rốt ráo tìm giải pháp hỗ trợ học sinh, tăng cường ôn tập đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025. Để tạo điều kiện cho học sinh lớp 12 ôn tập trước Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025, Sở đã chỉ đạo các trường triển khai kế hoạch ôn tập hợp lý, bảo đảm không kéo dài quá ba tuần sau khi kết thúc năm học. Mỗi học sinh sẽ được ôn tập 4 môn thi tốt nghiệp và có thể tự học thông qua các kho học liệu số của trường.

Chỉ đạo chặt nhẽ, hướng dẫn rõ ràng

Trước thực tế này, ngày 4/4/2025, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 1479/BGDĐT-GDPT gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

Thực tế ghi nhận các sở GDĐT đã chỉ đạo các nhà trường rà soát, điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường, tập trung các giải pháp để tiếp tục triển khai cho học sinh lớp cuối cấp ôn tập theo quy định của Thông tư 29. Báo cáo về việc thực hiện Thông tư 29, các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo chất lượng, xác định trách nhiệm của nhà trường trong việc ôn tập cho học sinh. Các trường học đã rà soát, phân loại trình độ học sinh để có phương án xếp lớp, phân loại trình độ học sinh để có phương án xếp lớp, phân công sắp xếp giáo viên phụ trách theo đối tượng để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng phù hợp với điều kiện của nhà trường; tổ chức cho học sinh có nhu cầu ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, không tổ chức ôn tập tràn lan, không đúng đối tượng, không hiệu quả, gây lãng phí, không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho học sinh tự học buổi 2 để tăng cường năng lực tự học trên cơ sở hướng dẫn của giáo viên.

Cũng theo Bộ GDĐT, hiện nhiều địa phương đã tổ chức thi thử, cơ bản trơn tru nhưng mô hình tổ chức đang khác với thi thật, chẳng hạn thi nhiều hơn 3 buổi. Do đó, Bộ GDĐT yêu cầu các địa phương tổ chức thi thử sao cho giống nhất so với mô hình thi thật. Bộ GDĐT sẽ hỗ trợ phần mềm chấm thi, cử cán bộ, chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật, giải đáp các thắc mắc quy trình chấm bảo đảm đúng quy định của Quy chế thi.

Việc tăng cường ôn tập cho học sinh cuối cấp trong bối cảnh đổi mới thi cử và cấm dạy thêm, học thêm không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để ngành giáo dục điều chỉnh phương pháp giảng dạy, hướng đến phát triển năng lực thực sự của học sinh. Sự chỉ đạo sâu sát, toàn diện, trọng tâm trọng điểm; công tác phối hợp nhịp nhàng giữa các các ngành, địa phương, trong đó ngành Giáo dục phải chủ động đề nghị phối hợp; yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ tinh thông và đúng quy chế; làm tốt công tác truyền thông, truyền thông chủ động, kịp thời và hiệu quả; dự báo những vấn đề khó khăn, phức tạp, những vấn đề dễ xảy ra sai sót, rủi ro nhất để có phương án phù hợp. đang mở ra một hướng đi tích cực – nơi việc học trở lại đúng nghĩa: học để hiểu, học để làm, chứ không phải học để thi.

Hà Giang

Bạn đang đọc bài viết Không dạy thêm, học thêm: Nhà trường tập trung hỗ trợ học sinh cuối cấp ôn tập tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19