Chấm dứt dạy thêm học thêm: Xây dựng những thế hệ học sinh tự chủ, sáng tạo và hạnh phúc

Đánh giá vấn đề tồn tại của việc dạy thêm học thêm, Thứ trưởng Phạm Ngọc thưởng nhận định: “Đã đến lúc cần sự đổi mới, với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để chấm dứt tình trạng này. Giáo dục cần trở lại đúng bản chất: kiến tạo những công dân tự chủ, sáng tạo và trách nhiệm với xã hội, nơi mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui; các trường học là những ngôi trường hạnh phúc”.

 

Thứ Trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Bộ Giáo dục và Đào tạo

Dạy thêm học thêm vấn đề còn nhức nhối

Trong xã hội hiện đại, giáo dục luôn được xem là chiếc chìa khóa vàng mở ra cánh cửa tương lai. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của hệ thống giáo dục, một hiện tượng đang gây nhiều tranh cãi và lo ngại đó là việc dạy thêm, học thêm tràn lan (DTHT) – một vấn đề không mới nhưng ngày càng trở nên nhức nhối. DTHT vốn dĩ không sai nếu xuất phát từ nhu cầu chính đáng: học sinh muốn nâng cao kiến thức, chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng; giáo viên muốn hỗ trợ học sinh yếu kém hay bồi dưỡng học sinh giỏi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy việc học thêm đã và đang vượt khỏi giới hạn cần thiết. Học sinh từ cấp tiểu học đã phải tham gia các lớp học thêm kéo dài cả tuần. Không ít trường hợp, giáo viên dạy chính khóa cũng là người tổ chức lớp học thêm, tạo ra áp lực buộc học sinh phải tham gia nếu không muốn bị “phân biệt đối xử” trên lớp.

Việc học thêm tràn lan không chỉ gây nên sự mệt mỏi, quá tải về thể chất và tinh thần cho học sinh mà còn khiến các em mất đi quãng thời gian vui chơi, phát triển toàn diện về tâm hồn và kỹ năng sống. Học sinh ngày nay bị biến thành những “cỗ máy học tập”, chạy đua với điểm số và kỳ vọng. Bên cạnh đó, hiện tượng này còn là gánh nặng kinh tế đối với nhiều gia đình, nhất là những gia đình có thu nhập thấp, buộc phải “gồng mình” để con không thua kém bạn bè.

Qua 2 tháng triển khai Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm bên cạnh những tín hiệu tốt đẹp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Một số địa phương chậm ban hành văn bản hướng dẫn, ban hành quy định tại địa phương, dẫn tới lúng túng trong triển khai; sự phối hợp giữa các sở, ngành trong triển khai các quy định về dạy thêm ngoài nhà trường có nơi chưa kịp thời nên một bộ phận giáo viên có nhu cầu dạy thêm hoang mang, lo lắng;  Việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường để phù hợp với quy định của Thông tư ở một số nơi chưa kịp thời, sẵn sàng từ thời điểm Thông tư ban hành; Những vấn đề khách quan như thiếu cơ sở vật chất trường lớp; cha mẹ học sinh học sinh dựa vào nhà trường, giáo viên do cha mẹ học sinh không có đủ thời gian, kiến thức để kèm con học, kỳ vọng vào thành tích học tập cao của con em mình, áp lực thi cử lớn; học sinh còn chưa thực sự chủ động trong học tập và có thể tự học… cũng tạo nên những băn khoăn.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp chấm dứt dạy thêm học thêm: Đổi mới giáo dục phổ thông

Để chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan nhằm thực hiện sứ mệnh đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT nêu phương án cần xác định đúng tác hại và hệ lụy của vấn đề này; thực hiện đồng bộ các giải pháp với tinh thần đồng tâm, đồng thuận, dựa trên quan điểm “5 không, 4 đề cao” cụ thể:

Quyết tâm thực hiện tốt “5 không” và “4 đề cao” trong triển khai Thông tư số 29:

“5 không” là: không “đánh trống bỏ dùi”, không thoả hiệp, không khoan nhượng, không biến tướng, không nói khó mà không làm; “4 đề cao” là: đề cao vai trò cán bộ quản lí giáo dục các cấp; đề cao tinh thần tự tôn, tự trọng, tinh thần hết lòng vì học sinh của giáo viên; đề cao tính tự giác, tự học của học sinh; đề cao vai trò mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội.

Tiếp tục tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Thông tư số 29:

Tuyên truyền phân tích rõ những hệ lụy, tiêu cực, tác hại của DTHT tràn lan, không đúng quy định; về giá trị của việc quản lí chặt chẽ DTHT nhằm hướng tới một nền giáo dục không còn DTHT; nâng cao nhận thức về vai trò nền tảng của gia đình cho sự phát triển nhân cách, tri thức và đạo đức của trẻ; vai trò, trách nhiệm của các lực lượng tham gia quản lí, giám sát hoạt động DTHT theo thẩm quyền.

Tập trung nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn: Các địa phương nghiên cứu kĩ các văn bản hướng dẫn; Tiếp tục đổi mới phương pháp, đa dạng hình thức tổ chức dạy học, đặc biệt chú trọng đổi mới, đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá phẩm chất, năng lực người học, không đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình, không gây áp lực về điểm số, chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng phương án tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 và lớp 10 bảo đảm phù hợp với thực tế của địa phương và các quy định hiện hành, giảm áp lực, giảm tốn kém, góp phần giảm DTHT không đúng quy định; Thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường bảo đảm sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện CTGDPT, đáp ứng các yêu cầu cần đạt của chương trình; Ưu tiên phân công phù hợp cho giáo viên dạy cuối cấp để có thời gian hỗ trợ tối đa cho học sinh ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng trong tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo quy định, không gây áp lực học thêm cho học sinh; không tổ chức ôn tập tràn lan, không đúng đối tượng, không hiệu quả, gây lãng phí; tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm học 2 buổi/ngày:

Nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học, đảm bảo chất lượng dạy và học, Bộ GDĐT chỉ đạo các Sở GDĐT tham mưu UBND cấp tỉnh bố trí nguồn ngân sách và tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng đủ trường, lớp và bảo đảm chất lượng để mọi học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục được đến trường, giảm áp lực trong tuyển sinh, kiên quyết không để học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục không đường đến trường; hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là học sinh còn gặp khó khăn trong học tập, học sinh cuối cấp, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời Bộ GDĐT chỉ đạo địa phương sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên và huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục bắt buộc theo quy định, phù hợp với điều kiện của địa phương; triển khai thực hiện hiệu quả các quy định về việc quản lí trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập để tổ chức các hoạt động theo nhu cầu, thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động giáo dục của nhà trường.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả quản lí nhà nước về dạy thêm học thêm theo thẩm quyền trách nhiệm:

Chỉ đạo các địa phương sớm ban hành theo thẩm quyền quy định về dạy thêm học thêm theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 29, bảo đảm phù hợp với thực tế của địa phương và các quy định hiện hành, đẩy nhanh kế hoạch kiểm tra nhằm mục đích thúc đẩy, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đề xuất ngay giải pháp cho học sinh ôn thi lớp 9, 12 tránh xáo trộn việc giảng dạy tại các nhà trường.

Phát động, triển khai các phong trào tự học thiết thực, hiệu quả: Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, phát huy tinh thần tự chủ, tự giác trong học tập. Tùy tình hình thực tế và từng giao đoạn cụ thể xem xét phát động các phong trào tự học thiết thực, hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội và các cơ quan, ban, ngành của địa phương trong việc quản lí dạy thêm, học thêm của địa phương.

Hoàn thiện cơ sở pháp lí, rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống các văn bản

Ban hành các quy định sửa đổi, bổ sung Điều lệ trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Ban hành quy định sửa đổi, bổ sung quy định về quản lí hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa  bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Giáo dục và các Luật khác có liên quan; Ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày, quy định về kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Xây dựng các chương trình bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, đào tạo mới, đào tạo lại giáo viên đáp ứng yêu cầu của CTGDPT 2018, đặc biệt đối với các môn học mới như Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp để tăng tính trải nghiệm cho học sinh.

Trịnh Thu

Nguồn tham khảo:

Bộ GDĐT: Báo cáo Tình hình triển khai thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm.

Bạn đang đọc bài viết Chấm dứt dạy thêm học thêm: Xây dựng những thế hệ học sinh tự chủ, sáng tạo và hạnh phúc tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19