Cơ sở giáo dục đại học: Trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao

Hệ thống giáo dục đại học (ĐH), cao đẳng đang ngày càng thể hiện rõ vai trò trung tâm trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển tri thức mới và chuyển gia công nghệ cho đất nước.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã xác định rõ: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh và bền vững đất nước, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trong tiến trình đó, hệ thống giáo dục ĐH – cao đẳng giữ vai trò trung tâm trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển tri thức mới, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Giáo dục ĐH, cao đẳng: Tạo lập nền tảng tri thức, công nghệ và nhân lực

Quyết định 569-QĐ/TTg đã xác định để triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, 1 trong 9 nhóm giải pháp chủ yếu là “Phát triển các viện nghiên cứu, trường ĐH và các tổ chức khoa học và công nghệ khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh” trong đó “ĐH thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học (NCKH), phát triển công nghệ, là nguồn cung tri thức cho các hoạt động đổi mới sáng tạo”. Một số trường ĐH như ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Thương mại… đã bước đầu thể hiện rõ vai trò này qua các dự án, chương trình nghiên cứu ứng dụng quy mô lớn, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Giáo sư Lê Anh Tuấn – ĐH Bách khoa Hà Nội, trong những năm gần đây, nhà trường đã triển khai quy hoạch 4 lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) ưu tiên và xây dựng các phòng thí nghiệm đào tạo và các phòng thí nghiệm nghiên cứu đảm bảo tính tinh gọn, hiệu quả. Theo chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2030, trong năm 2025, nhà trường sẽ triển khai quy hoạch thêm lĩnh vực công nghệ bán dẫn thành lĩnh vực KHCN ưu tiên của mình.

Tuy nhiên Giáo sư Lê Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, con người vẫn là yếu tố nền tảng trong mọi cuộc cách mạng công nghệ. Muốn triển khai nghiên cứu và sáng tạo hiệu quả, cần có số lượng nguồn nhân lực dồi dào. Hiện, các trường ĐH đều triển khai nhiều biện pháp để phát triển nguồn nhân lực. Hai đề án đang được ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện là: thu hút giảng viên xuất sắc giai đoạn 2021-2025; tạo nguồn giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2023 – 2030, nhằm lựa chọn, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ kế cận từ những sinh viên xuất sắc nhất – bảo đảm nguồn lực khoa học lâu dài và bền vững.

Sinh viên và giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội (Nguồn: website ĐH Bách khoa Hà Nội)

Tại Trường ĐH Thương mại, phong trào NCKH trong sinh viên được chú trọng và đầu tư bài bản. Theo thống kê, có hơn 19,2% sinh viên đang học tập tại trường tham gia NCKH, với hơn 2.900 đề tài được triển khai. Trong số đó, 37 công trình nghiên cứu tiêu biểu đã được lựa chọn gửi dự thi cấp Bộ. Nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ sáng tạo và khởi nghiệp: các cuộc thi đổi mới sáng tạo, chương trình hỗ trợ ý tưởng kinh doanh,… tạo nên hệ sinh thái sáng tạo học đường tích cực.

Những thách thức đặt ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW

Mặc dù vai trò trung tâm của ĐH trong đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được xác định rõ trong Nghị quyết 57-NQ/TW, song quá trình thực hiện vẫn còn ko ít rào cản, khiến nhiều trường gặp khó khăn trong việc thực hiện hóa mục tiêu lớn.

Qua thực tế triển khai, đại diện Trường ĐH Thương mại chia sẻ, kết quả hoạt động KHCN vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu. Nghiên cứu của các đơn vị đa số vẫn nhỏ lẻ, chưa có nhiều đóng góp nổi bật. Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động NCKH cũng khiến một số cơ sở đào tạo gặp trở ngại, nhất là nghiên cứu ứng dụng. Hiện, nhà nước chưa dành nhiều kinh phí cho hoạt động đầu tư NCKH, biện pháp huy động nguồn lực tài chính từ ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là từ doanh nghiệp chưa đủ mạnh, điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng các đề tài và chuyển giao kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, còn không ít giảng viên chưa xác định rõ vai trò của NCKH đối với việc nâng cao chất lượng giảng dạy, chưa thực sự chủ động trong NCKH, kinh phí đề tài NCKH còn thấp cũng làm giảm động lực của giảng viên.

Kiến nghị để phát huy vai trò trung tâm của ĐH

Phát biểu tại Hội thảo khoa học Giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong cơ sở giáo dục ĐH cao đẳng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước, Bí thư Đảng ủy khối các trường ĐH, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, để nâng cao năng lực thích ứng và duy trì đà tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần khẩn trương phát triển năng lực tự chủ về công nghệ và nâng cao giá trị gia tăng trong các ngành sản xuất, xuất khẩu. Trong đó, KHCN và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt giúp nền kinh tế chuyển từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Với nền tảng tri thức, công nghệ và nhân lực hiện có, hệ thống giáo dục ĐH có đủ điều kiện để khẳng định vai trò tiên phong trong quá trình thực hiện Nghị quyết 57.

Để các trường ĐH thực sự trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ, cần một hệ sinh thái chính sách mạnh mẽ và đồng bộ. Từ thực tế khó khăn, đại diện Trường ĐH Thương mại cho rằng cần có sự sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định, cơ chế về KHCN, đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục ĐH trên cơ sở thể chế, quy định pháp luật về KHCN, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế… đã được hoàn hiện và đồng bộ. Điều này sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực; cải cách phương thức quản lý, triển khai các nhiệm vụ KHCN phù hợp với từng loại hình nghiên cứu; cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí NCKH, phát triển công nghệ. Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục ĐH nghiên cứu, từng bước triển khai, đặc biệt là các nội dung gắn với hoạt động KHCN và đầu tư thuộc chương 2 trên cơ sở Nghị định hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Giáo sư Nguyễn Văn Minh – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng ở Việt Nam, việc phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được quan tâm. Tuy nhiên, để chúng như một động lực mang tính tổng thể thì đang ở mức khá khiêm tốn. Việc triển khai có hiệu quả các quyết sách lớn là một bài toán không dễ dàng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn. Một trong những giải pháp đó là đầu tư cho các cơ sở đào tạo ĐH, sau ĐH một cách bài bản và chuyên sâu; ưu tiên phát triển khoa học cơ bản gắn với công nghệ lõi; có chiến lược gửi đào tạo các ngành trọng điểm quốc gia. Để phát triển nguồn nhân lực, cần đột phá trong chính sách đối với các nhà khoa học về điều kiện làm việc và cuộc sống để tạo động lực làm việc.

Việc hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW không chỉ là nhiệm vụ của các trường ĐH, mà còn là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị – xã hội trong việc đồng hành, kiến tạo và hỗ trợ ĐH phát triển trở thành trụ cột trung tâm của nền kinh tế tri thức Việt Nam. Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức, công nghệ và sáng tạo, ĐH chính là trụ cột để phát triển bền vững quốc gia. Những mô hình tiên phong như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Thương mại… cho thấy khi các trường được trao quyền, có cơ chế phù hợp và môi trường đổi mới thực chất, trường ĐH có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, dẫn dắt KHCN, chuyển giao tri thức và phát triển nguồn nhân lực cho tương lai. Tuy nhiên, để công cuộc đổi đổi mới sáng tạo phát huy được hiệu quả toàn diện, các trường cần một nền tảng số vững chắc. Chuyển đổi số sẽ là công cụ hỗ trợ để tái cấu trúc hoạt động giáo dục ĐH – từ quản trị, nghiên cứu đến kết nối với doanh nghiệp và xã hội.

Hà Giang

Bạn đang đọc bài viết Cơ sở giáo dục đại học: Trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19