Chuyển đổi số trong giáo dục ĐH, cao đẳng: hướng đến đổi mới và hội nhập
Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhiều trường ĐH, cao đẳng – đặc biệt tại Hà Nội đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số, từng bước hình thành ĐH số, kết nối dữ liệu, khai thác trí tuệ nhân tạo và đồng bộ hóa hệ sinh thái số trong giảng dạy, quản lý và nghiên cứu khoa học. Trao đổi tại Hội thảo khoa học Giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng, lãnh đạo nhiều trường ĐH cho rằng đây là cơ hội lớn, đặc biệt là cơ sở giáo dục ĐH kỹ thuật đa ngành, giúp các trường gia tăng năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế sâu rộng. Các trường có cơ hội đổi mới toàn diện mô hình đào tạo, triển khai mạnh mẽ các chương trình đào tạo và nghiên cứu gắn liền với công nghệ số, năng lượng thông minh và chuyển đổi năng lượng sạch.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Hiện nay, nhiều trường ĐH đã và đang tích cực triển khai các giải pháp toàn diện trong đào tạo và quản lý. Các trường ĐH, cao đẳng đã tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hệ thống quản lý học tập và giảng dạy trực tuyến ngày càng phổ biến, giúp sinh viên có thể học tập linh hoạt hơn. Nhiều trường đã đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm ảo, thư viện số và các nền tảng trí tuệ nhân tạo nhằm cá nhân hóa trải nghiệm học tập. Trường ĐH Điện lực đang ứng dụng hệ thống E-learning, nền tảng quản lý học tập, các công cụ thí nghiệm ảo và số hóa tài nguyên học tập đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và mở rộng khả năng học tập linh hoạt cho sinh viên.
Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, theo ông Nguyễn Yên Thắng – đại diện trường Cao đẳng Công nghệ Cao Hà Nội, hiện lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng Bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cho việc đánh giá trường cao đẳng số/thông minh; module đào tạo “năng lực số” trình độ trung cấp, cao đẳng; xây dựng và bước đầu đưa vào sử dụng hệ thống giáo dục đào tạo trực tuyến; nền tảng quản trị số; nền tảng Tài nguyên Giáo dục mở dùng chung, phòng E-learing studios sản xuất học liệu số, hệ thống thực tế ảo; nền tảng học tập trực tuyến… Có thể thấy, chuyển đổi số trong giáo dục ĐH, cao đẳng bước đầu góp phần mở rộng phương thức đào tạo, tăng thêm cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho người học, thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.
Cần thêm các chiến lược tháo gỡ khó khăn
Hiện nay, công tác chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục ĐH, cao đẳng vẫn đang diễn ra với nhiều nỗ lực, tuy nhiên thực tế triển khai vẫn tồn tại một số thách thức. Đại diện trường Cao đẳng Công nghệ Cao Hà Nội cho rằng có 2 thách thức lớn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Thứ nhất, về nhân tố con người, đây là yếu tố mục tiêu, trung tâm của sự phát triển, hình thành văn hóa số gắn với bảo vệ văn hóa và giá trị đạo đức của con người. Việc sử dụng các phương tiện dạy học và ứng dụng các loại công nghệ của giảng viên hiện chưa hoàn toàn có sự chuyển đổi bởi mỗi giảng viên có nền tảng khác nhau, có khả năng thích ứng công nghệ khác nhau trước sự bùng nổ của khoa học, công nghệ. Do vậy, việc tiếp cận và sử dụng chưa kịp thời và có những khó khăn nhất định. Thứ hai, về cơ sở hạ tầng, nền tảng sổ, thiết bị và học hiệu số. Nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả. Việc tập trung và đẩy mạnh phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng cũng như nhân lực về công nghệ thông tin là điều kiện cần thiết, nhưng đây cũng là thách thức và áp lực về nguồn lực tài chính của các trường trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Minh – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chuyển đổi số là cơ hội đặc biệt quan trọng, Nhà nước điều phối thông tin kết nối giữa cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất và thị trường để tạo hệ sinh thái phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia. Chuyển đổi số đang là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược hiện đại hóa giáo dục ĐH và cũng là đòn bẩy để thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW một cách hiệu quả và bền vững. Khi trường ĐH làm chủ dữ liệu, công nghệ đào tạo số sẽ dẫn dắt quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, đồng thời kết nối hiệu quả giữa người học với doanh nghiệp, thị trường và toàn xã hội.
Hà Giang