Thực tế tuyển sinh ngành STEM những năm gần đây
Giáo dục STEM được coi là nền tảng quan trọng của nền kinh tế tri thức, là động lực then chốt trong tiến trình đổi mới sáng tạo, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT), năm 2024 có sự cải thiện đáng kể trong tuyển sinh lĩnh vực STEM, tăng lên khoảng gần 20.000 người học so với năm 2023. Bộ GDĐT đánh giá điều này thể hiện rõ nét sự dịch chuyển trong tiếp cận giáo dục đại học của người học, niềm tin của xã hội với chất lượng đào tạo lĩnh vực STEM trong bối cảnh đất nước đề cao động lực phát triển liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, một số ngành khoa học cơ bản – như khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, toán học, vật lý… – đang gặp khó khăn lớn trong công tác tuyển sinh. Dù đóng vai trò nền tảng cho tri thức và đổi mới công nghệ, các ngành này lại thường không được lựa chọn.
Ảnh minh họa (Nguồn: Trường Đại học Thành Đông)
Tình trạng này phần nào được phản ánh qua số liệu đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Trong hơn 1,07 triệu thí sinh dự thi, chỉ 37% chọn bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học), trong khi 63% chọn bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Việc lựa chọn tổ hợp môn phản ánh xu hướng phân luồng và ảnh hưởng đến nguồn tuyển sinh cho các ngành STEM ở bậc đại học.
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu: Dịch chuyển cơ cấu trình độ và ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu; tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nêu yêu cầu phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực khoa học, công nghệ, kỹ thuật để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, để các mục tiêu này thực sự đạt được hiệu quả, cần thêm các chính sách để thu hút người học và tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đề xuất hỗ trợ sinh viên theo học ngành STEM vay vốn
Mới đây, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán.
Theo đó, việc xây dựng Quyết định nhằm mục đích quy định chính sách tín dụng ưu đãi, vượt trội hơn đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) để hỗ trợ trang trải toàn bộ tiền học phí và các chi phí sinh hoạt chính trong thời gian theo học tại các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Qua đó hỗ trợ học sinh, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành STEM yên tâm học tập, cống hiến, đáp ứng yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành STEM để đóng góp vào mục tiêu đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo Dự thảo, đối tượng vay vốn gồm: Học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đang theo học ngành đào tạo về khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ tài chính, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, kiến trúc và xây dựng, sản xuất và chế biến, toán và thống kê theo quy định Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan, tại các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Mức vốn cho vay tối đa đối với 01 người học bao gồm toàn bộ tiền học phí phải đóng của người học (sau khi trừ các khoản học bổng và hỗ trợ tài chính khác của nhà trường) theo xác nhận của nhà trường và tiền sinh hoạt phí tối đa là 5 triệu đồng/tháng.
Từ việc hỗ trợ tài chính, chính sách nhằm định hướng xã hội vào những ngành nghề mà đất nước đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Đây là điểm nhấn quan trọng của chính sách công, tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục, đồng thời định hướng lại nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển quốc gia trong dài hạn.
Về lâu dài, chính sách này sẽ góp phần cân bằng cung cầu lao động giữa các nhóm ngành nghề, tạo tiền đề để Việt Nam chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, kinh tế số một cách hiệu quả. Tuy nhiên, để chính sách về tài chính phát huy hiệu quả toàn diện, cần sự phối hợp liên ngành và sự đồng hành mạnh mẽ từ phía các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và xã hội.
Hà Giang
Tài liệu tham khảo:
Bộ Tài chính (2025): Dự thảo về việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán. https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-quyet-dinh-cua-thu-tuong-chinh-phu-ve-tin-dung-doi-voi-hoc-sinh-sinh-vien-hoc-vien-nghie-7456